Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

XEM MÀ SỢ



Ảnh: kenh14.vn
Xem tấm hình này mà sợ, sợ các nhà báo quá.
Bao nhiêu ống kính của các nhà báo chĩa thẳng vào một cô gái trước phiên tòa. Tội của cô ấy có đáng gọi là tội hay không??? 

Với tôi thì đó không phải là tội.

Chỉ giỏi ăn hiếp khi người ta cùng đường.
Chỉ thấy Mỹ Xuân can đảm hơn những tay đang chụp hình nhiều.


Bố susu
06-2013

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

LẠY CON CHÁU VUA HÙNG

LẠY CON CHÁU VUA HÙNG

Mai Thanh Hải - Đến Pleiku (Gia Lai) đúng mấy ngày mưa nên đến đâu cũng mịt mù sương mây và ướt lướt thướt, đúng chất "Phố núi cao phố núi đầy sương", chẳng thăm thú được chỗ này chỗ khác, mang tính chất cao nguyên.
Thấy mình thở dài thườn thượt, bác Văn Công Hùng mách: "Thôi thì ra công viên Đồng Xanh mà xem mấy cái thứ na ná Tây Nguyên" khiến mình à nhớ ra cái khu vui chơi tổng hợp nằm ở xã An Phú, cách Pleiku khoảng 10 km, trên đường xuống Quy Nhơn - Bình Định.
Công viên này của Cty Cổ phần Gia Lai CTC và được giới thiệu trên website rất hoành tráng, đại loại:"Nguyên là khu đất cằn cỗi và là sân phơi Hợp tác xã An Phú, công viên được đầu tư xây dựng từ năm 1998 với diện tích 14 ha. Qua nhiều năm vừa đầu tư xây dựng vừa khai thác kinh doanh, đến nay công viên là công trình mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc Tây Nguyên. Hàng năm tiếp đón hàng trăm ngàn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Công viên gồm nhiều khu vực: khu văn hóa tâm linh, khu văn hóa các dân tộc thiểu số, khu vườn thú mi ni, khu vui chơi giải trí thiếu nhi, khu dịch vụ ẩm thực nhà hàng tiệc cưới…"
Đặc biệt, việc giới thiệu rất nhấn mạnh đến: "Khu Văn hóa tâm linh nơi có Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được xây theo kiến trúc truyền thống với mái nhà Rông cách điệu cao 18m. Trong điện thờ, tượng Vua Hùng cao 6m, nặng gần 3 tấn gỗ mít sơn son thiếp vàng, kiến trúc văn hóa Việt bố trí sắp đặt hài hòa được thực hiện bởi các nghệ nhân từ thủ đô Hà Nội. Trước điện thờ là tượng 18 Vua Hùng uy nghi. Cạnh đó, chùa Một Cột -“Tây Thiên Nhất Trụ” được xây dựng theo đúng nguyên mẫu của Chùa Một Cột Hà Nội gợi nhớ về kiến trúc tâm linh thiêng liêng bậc nhất của Thủ đô. Xung quanh quần thể văn hóa Việt còn có lầu Thần tài, tượng Phật Quan Âm cứu khổ, cứu nạn, cổng Tam Quan bằng đá Ninh Bình; các loại cây quý được bố trí hài hòa, tạo ấn tượng và sự trân trọng đối với du khách khi đến nơi này"...
Mình lọ mọ mua vé 20.000 VND vào thăm Công viên Đồng Xanh vắng ngắt cũ kỹ xuống cấp và dĩ nhiên phải tìm đến Khu Văn hóa tâm linh để tìm đến Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương.Sẽ không có gì đáng nói, nếu dưới đế chân tượng 18 Vua Hùng không có những tấm bảng chú thích rành mạch về tên, húy, số tuổi, số năm làm vua, số vợ con cháu chắt...

Mọi lời bình, xin dành cho người đọc.Mình chỉ nói rằng: Việc đưa số liệu (dù mãi khi xem hết các chú thích, phải thật chú ý mới phát hiện tấm biển "Ghi chú" quay ngược phía sau như đánh đố du khách "Những số liệu về tên, húy, tuổi, số vợ, con, cháu của 18 Vua Hùng ghi chú trước bức tượng được trích từ nguồn tài liệu Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng của tác giả Vũ Kim Biên nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn do Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản 2006") cho dù có trích từ nguồn nào, cũng nên giải thích cặn kẽ, kẻo sự đánh đồng huyền thoại sự tích và đời thực, không chỉ gây thắc mắc khó chịu mà còn tạo tác dụng ngược, rất phản cảm với không chỉ du khách nước ngoài, mà ngay với người Việt.
Người xem, khó có thể tin một người sống được vài trăm năm, thậm chí gần 1.000 năm, cho dù đó là vua cháu ngày xưa và cho dù những lời chú thích này được ghi rành mạch bằng tiếng Việt, trong công viên "chính thống", chứ không phải công viên nhà của những người... "khác người" tự lập lên.Người xem không dám trách các nhân vật trong lịch sử bởi huyền thoại thì luôn là huyền thoại, sự nghiên cứu - sưu tầm có chăng cũng chỉ gói gọn lại trong cứ liệu lịch sử.Và người xem, chỉ biết lắc đầu: "Lạy con cháu Vua Hùng", khi đọc những dòng ghi chú sưu tầm từ huyền thoại, được ghi rành mạch giữa thanh thiên bạch nhật, ở ngay nơi đang phấn đấu "đến năm 2015 khi xây dựng hoàn chỉnh đây sẽ là một công viên hiện đại, hấp dẫn bậc nhất của khu vực", mà thôi..Thờ phụng Vua Hùng là điều rất đáng làm, không thể phủ nhận được. Nhưng thờ phụng kèm những chú thích không cần thiết, gây sự hoài nghi - phản tác dụng như ở Công viên Đồng Xanh Gia Lai như thế này, thì có khi cả nước có duy nhất ở TP Pleiku, nên mình cũng đành: "Xin lạy con cháu Vua Hùng!"..
-----------------------------------------------------------------------



















Nguồn: blog Mai Thanh Hải
(Bố susu sưu tầm)

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Ở CÁI THỜI ĂN GÌ CŨNG SỢ

Hôm nay chở susu đi mua đồ, ngang qua hàng trái cây thấy có bán mít. Cái hàng trái cây này mình cũng hay ghé mua nên không nghi ngại gì.
Dạo này nghe báo đài đưa tin mít được bơm thuốc cho mau chín, cứ đau đáu trong lòng nếu ở đâu cũng có mít như thế thì bỏ mẹ rồi còn gì. Còn mít thứ thiệt, mít chính chủ, chín cây đâu ra cho mà ăn.
Tự dặn lòng thế là cố gắng nhịn ăn mít, khi nào thèm thật thèm thì mới đi mua ăn. Thế là hôm nay là ngày thèm thật thèm.

Vẫn mua về rồi lấy hột sau, lần này khi bóc mít thì càng thấy hoảng.
 Múi mít thì chín vàng, giòn rụm, ngọt đúng hiệu mít thái nhưng nhìn kỹ lại thì nhưng sơ mít còn trắng bóc. Sơ mít còn trắng bóc thì làm sao múi mít có thể chín tự nhiên cho được.

Thế là trong đầu hiện lên cái ống chích có hóa chất để chích vào cho mít mau chín. Tay thì cứ gỡ mít, đầu thì cứ nghĩ về ống hóa chất.
Cuối cùng thì cũng lột xong miếng mít đó. Nhưng lần này thật tình không dám đụng vô luôn.
Nhìn múi mít vàng như thế này, hấp dẫn như thế này nó có bị chích hóa chất không nhỉ?
Tự nhiên sợ, hèn nhát nên không dám ăn luôn. :)

Sao mà bây giờ ăn cái gì cũng phải lo lắng.
Lo có bị chích hóa chất không?
Lo có phải hàng Tung Của hay không?
Lo có bị ăn phải hàng giả hay không?
.....

Trời ơi là trời, cái thời gì thế này????????????????????????
Biết là hỏi câu này ông trời cũng pótay.com.net.vn luôn.


bố susu
06-2013

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

TRẮNG - XANH - XÁM

Ở nơi này màu chi cũng có
Ngắm nhìn nó để thấy có màu gì???
Nơi này mây trắng tựa bông
Ngơ ngẫn mây trôi kiếp phiêu bồng
Ở nơi này trời xanh mây trắng
Tôi đứng nhìn ngọn nước biếc trôi nhanh
Ở nơi này không còn xanh và trắng
Xám nao lòng, xám xịt một dòng sông

BỐ SUSU
06-2013

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

NHÓC SUSU

Chụp tấm hình này của nhóc cũng khá lâu nhưng lại quên post khoe nhok với pàkon.
Bi chừ nhóc 4 tuổi rồi, ở nhà thì quậy hết biết. Suốt ngày chỉ muốn làm siêu nhân thần kiếm. Đem chuyện này tâm sự với bạn bè trong công ty thì ra ông nhóc nào ở nhà cũng muốn làm siêu nhân thần kiếm hết :)

Đi học thì ngoan, được cô khen nhưng ở nhà thì nhõng nhẽo với bà ngoại lắm. Nhóc bây giờ thích tự khẳng định mình với cả nhà rồi, bố cũng đang tập cho su quen dần với các giao tiếp ngoài xã hội. Chắc sẽ được đi bụi với bố nhiều hơn, sẽ được lăn lộn chơi bời nhiều hơn để nhóc càng hoàn thiện hơn nữa. Chứ như bố thì chán lắm :)
Gan lắm thì cũng chỉ dám hù dọa ông hổ thôi, không dám hù ai hết. Chụp trong lần đi chơi sở thú gần nhất, may sao mà hôm đó ông hổ trắng này chịu tung tăng chạy nhảy chứ không phải nằm im ngủ như những lần trước.
Ráng ngoan ăn, chóng lớn nghen nhóc con của bố.

Bố susu
06-2013

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

NHỎ NHOI


Đi trên đường thấy tòa cao ốc đang được các công nhân vệ sinh đang lau chùi kiếng. Thấy họ nhỏ nhoi nhưng sao mà gan dạ quá. Đúng là những chú kiến thợ chăm chỉ.


Bố susu
06-2013

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Giây phút chào đời của cá sấu

Giây phút phá vỡ vỏ trứng để vươn ra đón ánh sáng Mặt trời thiêng liêng của những chú cá sấu con đã được ghi nhận lại thông qua những bức hình tuyệt đẹp. 
 
Phá vỡ được bỏ trứng để hít thở một bầu không khí mới.



Hăm hở vươn ra để bắt đầu cuộc sống.
Chúng cũng được cắt dây rốn như người.
Và hoàn toàn khỏe mạnh để đương đầu với cuộc sống trước mắt...
 ...cùng các anh chị em trong đàn.

 
Hiền Thảo (theo LI)
(bố susu sưu tầm) 

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

NĂM NĂM

Vậy là đã 5 năm rồi đó dzợ ơi. 
Khi nói ra thì ai ai cũng giật mình, cũng nói là nhanh thật.
Ừh, nhanh nhỉ.
Cám ơn dzợ vì mọi điều dzợ đã lo lắng cho chồng, cho susu.
Nào ta cùng nắm tay nhau đi tiếp con đường của mình nè :)
14/06/2013 



bố susu
06-2013

KHÁC BIỆT GIỮA BÁO TA VÀ BÁO NƯỚC NGOÀI

Hôm nay đọc báo mạng biết thêm được tin Việt Nam sẽ đóng thêm tàu chiến Molniya thứ ba sau khi đã đóng thành công 2 tàu chiền trước đó. Đáng lẽ đây là một tin rất vui, rất đáng quan tâm nhưng lại làm cho mình buồn, buồn về cách sử dụng hình ảnh của các báo Việt Nam ta.
Chuyện đáng bàn bắt đầu như thế này. Bố susu có chụp hình về hai tàu Mol đầu tiên do Việt Nam đóng tại Bason mang số hiệu M1 và M2 và đã có bài đăng trên blog (Nguồn tàu M1Nguồn tàu M2).

Cũng nhờ theo dõi nên bố susu tìm hiểu và cũng tìm được bài viết trên gốc trên trang báo của báo Nga. Báo Nga đăng tin và có sử dụng hình ảnh của bố susu chụp nhưng báo Nga lại dẫn nguồn rõ ràng, đầy đủ.
 link tham khảo từ báo Nga: http://bmpd.livejournal.com/495538.html

Xem hình của mình được đăng trên báo Nga tự nhiên thấy vui hẳn lên dù chẳng được người ta xin ý kiến lấy hình. Nhưng họ ghi nguồn là mình đã vui lắm rồi.

NHƯNG
Nhưng các báo trong nước thì không. Không một dòng chú thích mặc dù cũng trích đăng và lấy nguồn từ báo Nga.
Trang phunutoday.vn


 Trang Zing. Đây là lần thứ hai trang Zing sử dụng hình của mình mà không ghi chú nguồn ảnh. Cả hai lần các bài viết sử dụng hình ảnh đều bắt nguồn từ trang này, đề tên tác giả là QUỐC VIỆT Theo Infonet nhưng kiếm nguồn trong Infornet thì không thấy thông tin về bài viết.


Trang soha.vn


Trang baodanang.vn


 Trang tinmoi.vn


 Trang xaluan.com


Trang tintuconline.us



Tôi nêu một số nhận xét trên đây để thấy rằng trình độ chuyên nghiệp của các trang báo Việt Nam chưa chuyên nghiệp, chưa tôn trọng tác giả các bức ảnh.
Mặc dù trên blog của tôi cũng đăng nhiều bài mà tôi sưu tầm được từ những nguồn khác nhưng tôi cũng cố gắng ghi chú cuối bài (bố susu sưu tầm) để tôn trọng tác giả. Vì vậy nếu như không rõ nguồn ảnh thì các bạn cũng nên ghi chú là Ảnh sưu tầm.Nếu quý báo đọc được những dòng tâm sự này, tôi nghĩ quý vị nên thay đổi cách làm việc của mình ngay từ bây giờ để cách làm việc của quý vị cũng chuyên nghiệp như báo Nga mà quý vị dẫn tin.

bố susu
06-2013



Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

THÔNG TÂY HỘI - NGÔI ĐÌNH CỔ NHẤT Ở NAM BỘ

Mặc dù được sinh ra và lớn lên tại đất Sài Gòn này nhưng nhiều điểm văn hóa của mảnh đất thân yêu này mình lại chưa hề ghé đến, chỉ nghe qua ten gọi, bài bào mà thôi. Nhờ đọc bài viết "Có thể bạn chưa biết" của bác Phạm Ngọc Hiệp mà mình đã quyết định đi tìm hiều Đình Thông Tây Hội ở Gò Vấp, được xem là ngôi đình cổ nhất tại Nam Bộ cho đến thời điểm này.


Tọa lạc tại số 107/1 Nguyễn Văn Lượng P.11 Q. Gò Vấp (ngày nay là đường Thống Nhất) là ngôi đình cổ nhất ở Nam Bộ, đình được xây dựng vào khoảng năm 1679 đến nay đã được khoảng 334 năm tuổi.

Tên Thông Tây Hội là do ghép từ hai làng Hạnh Thông Tây và An Hội. Khi hai làng sát nhập (năm 1944) thì đình làng Hạnh Thông Tây được chọn làm đình chung và từ đó được đổi tên thành đình Thông Tây Hội.
Cũng như bao ngôi đình khác, Đình Thông Tây Hội thờ Thành Hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam. Vị thần chính được thờ trong đình là Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là Hoàng tử con vua Lý Thái Tổ.
Bước vào bên trong với những cây cao che mát làm cho sân đình thật sạch sẽ, thoáng mát. Từ xa ta sẽ thấy nhà hội sở ngay giữa sân rộng.


Nhìn từ sân đình ta sẽ thấy mặt bằng kiến trúc của đình gồm hai trục song song với nhau: một trục dài (trục chính) gồm võ ca, chánh điện nằm bên trái; một trục ngắn (trục phụ): nhà hội sở nằm bên phải.
Điều đặc biệt nhất ở Đình Thông Tây Hội là đình có rất nhiều cột, có tất cả 156 cột trong đình.
Nhà hội sở là nơi làm việc của ban trị sự, nơi tiếp khách và chuẩn bị tế lễ, có 56 cột trong nhà hội sở, chân cột kê đá xanh, có vách ván ngăn phòng làm việc với nhà kho.


Toàn bộ ngôi đình lợp ngói âm dương, bộ vì kèo chịu lực bằng gỗ, nền lót gạch tàu.

Bên trong nhà hội sở có dãy bàn dài để làm việc, tiếp khách.



Trẹn vách nhà có những chữ hán được sơn son thếp vàng, chữ ở giữa không biết nhưng đoán được bên trái có chữ Tiền và bên phải là chữ Hậu (chắc là Tiền hiền và Hậu hiền)



Toàn bộ khu nhà hội sở thấp hơn sân đình khoảng 9 tấc.

Đây là phần nhà kho phía sau hội sở, ở đây sát với dãy nhà của dân mà không có tường rào nên đình đã bị lần chiếm diện tích rất nhiều.
Do không đủ kinh phí nên phần hội sở chưa được trùng tu, nâng nền nên các thân cột đã bị mối mối phá hoại, các thanh đà gác mái thì "gãy tới đâu chống đỡ tới đó" chứ không có tiền để tu sửa theo như lời bác Tý trong ban trị sự của đình tâm sự.


Phía trước chánh điện là nhà võ ca. Võ ca có kích thước: ngang 14m, sâu 17,5m, cao 4m là nơi xây chầu, hát bội gồm 7 nếp nhà và 52 cột gỗ, không có tường bao xung quanh. Hiện nay võ ca đã được trùng tu nhưng 2 bên phần cánh còn thiếu, mỗi bên rộng khoảng 4m.

Chánh điện gồm: 2 nếp nhà ghép trùng nhau theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc". Mái của hai nếp nhà cạnh sát nhau. Tất cả có 48 cột, chia thành 8 dãy cột, mỗi dãy có 6 cột.


Bốn cột giữa cao nhất là 4,5m, có đường kính là 30 cm (thường được gọi là "tứ tượng") là nơi quan trọng nhất, linh thiêng nhất - nơi đặt bàn thờ thần.
Các chân cột ở chánh điện được có khắc hình lăng trụ thắt ở giữa. Trên nóc chánh điện có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh. Quanh chánh điện có tường gạch.


Khu bàn thờ phía bên trái
Khu bàn thờ chính giữa
Khu bàn thờ phía bên phải
Bàn thờ Thành Hoàng có 2 mão bên ngoài một mão bên trong hộp kiếng.




Chính điện nhìn từ trong ra ngoài võ ca.

Hành lang đi sang khu miếu thờ Bà Chúa xứ

Không hiểu tại sao trong khu chánh điện của đình lại có bàn thờ Quan công????


mặc dù tượng Quan công rất đẹp.

Khoảng sân sân nằm bên trái của chính điện, ta có thể thấy có 2 miếu thờ. Miếu nhỏ thờ Ngũ hành nương nương và bên trái là miếu thờ Bà chúa xứ.
Bàn thờ Ngũ hành nương nương.
Bàn thờ Bà chúa xứ.
Tượng Bà chúa xứ.


Mái ngói rêu phong.




Miếu thờ ông hổ

Trong di tích đình Thông Tây Hội còn giữ nhiều hiện vật quí. Các hiện vật là các tác phẩm chạm khắc nghệ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối, trang thờ đều giữ được đường nét, màu sắc sơn son thếp vàng của hiện vật cổ, không bị phết lên những lớp son mới như một số ngôi đình khác thường làm.
Điều đau lòng nhất hiện nay là tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của đình nhất là khu nhà hội sở. Tuy là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng sự đầu tư, nâng cấp để trùng tu ngôi đình của các cơ quan có thẩm quyền hầu như rất ít. Kinh phí để sửa chữa chủ yếu vào sự đóng góp của nhân dân, bá tánh thập phương. Bên cạnh đó, diện tích của đình không còn rộng như trước, một phần do bị dân lấn chiếm xây dựng nhà cửa, cơ quan công an mượn đất làm trụ sở nhưng đã lâu chưa giao trả mặt bằng nên khuôn viên trong đình không còn thoáng mát nhất là khu bên trái của Chánh điện, do đó khi đình muốn sửa chữa 2 bên hông của võ ca nhưng đình cũng không thể thực hiện do không đủ diện tích thể thi công. Cần lắm sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền để ngôi đình cổ nhất này có thể tồn tại lâu hơn nữa.


bố susu
06-2013