Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

HỦ TIẾU GÕ

Tối hôm qua, đi ăn tiệc về nhưng bụng lại đói quá nên xách xe tìm hủ tiếu gõ ăn cho nhanh. Thiệt tình thì khi đi tiệc tùng rất ít khi mình ăn được, toàn đổ bêtông trước và sau khi ăn tiệc thôi. (chắc tại khó ăn quá)
Cũng đã lâu lắm rồi mình mới ăn lại tô hủ tiếu gõ mà lại là một buổi tối đang đói trong bụng nữa chứ, thiệt là đúng cảnh với chiếc xe hủ tiếu gõ quá.

Không biết từ "hủ tiếu gõ" xuất hiện từ khi nào nhưng theo Bố susu được biết thì đây là một thuật ngữ bình dân dùng để chỉ về một loại hình bán hủ tiếu, theo đó người bán thường không bán cố định ở một chỗ mà dùng các phương tiện di chuyển như đi bộ, xe đạp... để len lỏi vào các ngỏ hẻm, từng nhà để tìm thực khách. Người bán thường có một dụng cụ để gõ vào và phát ra tiếng đặc trưng, dễ nhận biết từ hai thanh gỗ hoặc kim loại đập vào nhau (tiếng của thanh gỗ nghe hay hơn tiếng của thanh kim loại). Thường thì những chiếc xe bán hủ tiếu gõ này không bán vào buổi sáng mà chỉ bán từ khoảng 4g chiều đến 12g đêm. Và bây giờ thì tiếng gõ quen thuộc dần dần cũng không còn nghe nhiều mà thay vào đó những người bán thường bán tại xe và những người ăn quen sẽ tự tới ngay xe mà ăn, ít còn người đi gõ lắm (chắc là do tiết kiệm chi phí).
Chỉ với một chiếc xe bên dưới chứa thùng nước lèo và bên trên chứa đựng rất nhiều đồ như một cái quán: tủ đựng thịt, bò viên, xương, hoành thánh, rau, giá... và những chiếc bàn, ghế cũng được tận dụng treo tên xe. Nói chung là tận dụng tối đa diện tích, công suất của chiếc xe đẩy này.
Nhớ ngày xưa, chắc khoạng năm trước tô hủ tiếu gõ chỉ có giá 3000đ thôi và hôm nay thời buổi vật giá leo thang nên giá của tô mì gõ cũng thay đổi là 15000đ. Vẫn rẻ hơn nhiều nếu ăn trong quán nhỉ :)
Hình ảnh chiếc xe hủ tiếu gõ luôn gắn liền với hình ảnh bình dân, mộc mạc của nó. Đa phần khách ăn hủ tiếu gõ là giới bình dân, lao động... nên khi nói ăn hủ tiếu gõ là ta thấy ngay được sự gần gũi lắm vì 3 chữ "hủ tiếu gõ" của bản thân nó.
Lâu lâu cũng nên đổi món chứ phải không các bạn???

Đổi món để thấy hủ tiếu gõ vẫn rất ngon, gần gũi với cuộc sống của rất rất nhiều người trong chúng ta :) 

Bố susu
11-2013

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

NGÃ SÁU PHÙ ĐỔNG

Hàng ngày đi làm đều đi qua cái bùng binh ngã 6 Phù Đổng này. Quanh khu vực này san sát các cửa hàng buôn bán nên rất sôi động. Nào là các cửa hàng kinh doanh xe máy, yến sào, thực phẩm... Bởi vì sự đông đúc của các cửa hàng nên lề đường bị chiếm dụng để xe nên tui đi bộ toàn là đi dưới lòng đường không thôi (đi mà cứ sợ bị xe nó hun cho thì bỏ xừ luôn :).


Nói thêm về cái tên Phù đổng. Có lẽ không người Việt Nam nào là không biết đến truyền thuyết về Đức Phù Đổng Thiên vương (Thánh Gióng), người có công đuổi giặc Ân trong những buổi bình minh của dân tộc. 
Truyện kể rằng Thánh Gióng lên ba tuổi, nghe tiếng loa truyền kêu gọi người có tài ra đuổi giặc. Chú bé lên ba ấy nhờ mẹ ra gọi sứ giả vào mà bảo rằng: “về bảo nhà vua may cho ta một bộ giáp sắt, đúc cho ta một con ngựa sắt, một ngọn giáo sắt…” Sứ giả mừng rỡ vì đã tìm được kì nhân. Chú bé sau khi nói câu đó bỗng lớn nhanh như thổi, ăn bao nhiêu cơm cũng không đủ no. Gạo nhà không đủ, cả làng phải cùng nhau góp cơm… Khi sứ giả mang giáp sắt, ngựa sắt… đến thì chú bé bỗng vươn vai đứng dậy, thành ngay một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ mặc giáp sắt, nhảy lên lưng ngựa sắt, ngựa hí vang trời, vừa phun lửa, vừa xông vào giữa đám giặc. Tráng sĩ đánh đến khi gãy ngọn giáo sắt, bèn nhổ cả bụi tre bên đường làm vũ khí… Giặc Ân nhanh chóng bị quét sạch. Tráng sĩ ngay sau đó cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời…
(hihihi, truyền thuyết này tin hay không do bạn nhé)




Đây là hình ảnh chú bé Thánh Gióng cưỡi ngựa, cầm tre đuổi giặc.
Qua bao năm tháng có vẻ chú bé ấy đã già đi nhiều


Đây là nơi giao nhau của 6 con đường: Cách mạng tháng tám, Lê Thị Riêng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Hồng Thái và Lý Tự Trọng nên nó có tên ngã 6 là vậy.
Ngã 6 trong một buổi chiều mưa.
Ngã 6 khi phố lên đèn

Thật là một nơi quá quen đến nỗi cảm xúc để tả về nó quá ít, hy vọng sẽ có nhiều bạn bè đóng góp ý kiến thêm về những gì đã xảy ra tại nơi này của những ngày xưa kia.
Bố susu
11-2013

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Lego và những điều thú vị ít người biết

Nhà sản xuất có đủ các miếng ghép để xếp một chiếc tháp có độ cao gấp... 10 lần khoảng cách từ trái đất tới mặt trăng.
 Từ "Lego" có nguồn gốc từ tiếng Đan Mạch, nghĩa là "chơi tốt".

 Sáng lập nên Lego là người thợ mộc có tên là Ole Kirk Christianse. Khi công việc làm ăn thất bát, ông nảy ra ý định sẽ làm giàu từ những mảnh gỗ thừa trong lúc làm việc. Ban đầu, Lego không được sản xuất làm đồ chơi cho trẻ em mà được phục vụ trong công tác thiết kế.
 560 tỷ miếng Lego đã được sản xuất năm 2013, điều có có nghĩa là mỗi người trên hành tinh sẽ sở hữu 80 miếng.
 Lego là nhà sản xuất bánh xe với số lượng lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả những ông lớn như Bridgestone, Goodyear.
 Quá trình chế tạo nghiêm ngặt tới mức chỉ 18 trong số một triệu mảnh ghép Lego bị loại do không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
 Năm 2009, nhà thiết kế James May đã thiết kế thành công một ngôi nhà thực sự từ 3,3 triệu mảnh ghép Lego với 1.000 tình nguyện viên thay nhau thi công.
 Công trình Lego cao nhất thế giới được tạo thành từ 465.000 miếng ghép, có độ cao 94 feet (tương đương 28,6m).
 Công trình Lego lớn nhất dùng để bán mô phỏng cung điện Taj Mahah với 5.922 mảnh ghép riêng biệt.
 Trên thế giới, có 7 công viên Legoland với vô số công trình Lego rải khắp khuôn viên. Đây thực sự là thánh địa đáng mơ ước cho những ai yêu thích việc xếp hình.
 Nhà sản xuất ước tính, mỗi giây có 7 bộ Lego được bán ra trên khắp thế giới.
 Có 915 triệu cách khác nhau để ghép 6 miếng Lego riêng biệt.
 Không có một bộ Lego nào được làm dựa trên chủ đề chiến tranh. Ngay từ khi mới thành lập, ông chủ Ole Kirk Christiansen không muốn trẻ em tiếp cận sớm với bạo lực.
 Năm 2011, trong khuôn khổ chường trình "Lego trong không gian", các nhà du hành vũ trụ đã mang 13 miếng ghép Lego lên Trạm Vũ trụ quốc tế để xem chúng sẽ tương tác thế nào trong môi trường không trọng lực.
 Nhà sản xuất tự hào rằng, họ có đủ các miếng ghép Lego để xếp một chiếc tháp có độ cao gấp... 10 lần khoảng cách từ mặt đất lên tới mặt trăng.

 Năm 2000, Hiệp hội bán lẻ Đồ chơi Anh đã đánh giá Lego là đồ chơi của thế kỷ, thứ hạng cao hơn cả gấu Teddy và búp bê Barbie.
SuZi
Ảnh: Buzzfeed
(Bố susu sưu tầm)

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

TÌM DÃ QUỲ NƠI PHỐ NÚI B'LAO

Không biết từ bao giờ cứ cuối năm là mình mê mẩn hình hình những bông hoa vàng rực, những cánh hoa mỏng manh nhưng rất quyến rũ của dã quỳ. Nguyên do chắc một phần nhờ sự hướng dẫn của bạn Quỷ qua những chuyến đi của bạn ấy và nhất là từ chuyến săn quỳ năm ngoái ở Đà Lạt.

Lần đó thật sự choáng ngợp với hình ảnh lộng lẫy của dã quỳ nơi đây và năm nay cũng nhờ có việc riêng nên cũng có dịp tìm lại em dã quỳ nhưng ở một nơi không xa Đà Lạt bao nhiêu nơi đó phố núi B'lao.
Người ta thường nói hoa dã quỳ như một loài hoa dự báo thời tiết vậy. Khi dã quỳ nở thì người dân biết rằng mùa mưa đã hết và một mùa khô lại bắt đầu. Hết năm này qua năm khác chẳng khi nào sai.


 Bao năm qua, dã quỳ vẫn lang thang cô độc với mặc cảm là một loài hoa không hương. Khi mùa mưa bắt đầu chấm dứt thì dã quỳ lại xuất hiện, mang theo sắc vàng gieo khắp núi đồi, một cảm giác thật đặc biệt khi những bông hoa vàng trên những suờn đôì.. Nhưng ở B'lao, những ngày đi tìm dã quỳ thì đâu đó trên những con đường đi quỳ đã nở nhưng chưa nhiều, chưa vàng rực nhưng sắc vàng đã có trên đường đi. Người dân ở đây nói quỳ có nhiều trên Đà lạt chứ quỳ ở B'lao không có nhiều. Nhưng không sao, gặp được quỳ thì lòng cũng đã vui rồi.
Người quen hỏi tôi:"Thấy được quỳ như vậy đã thỏa mãn chứ" - Trời ơi, sao mà thỏa mãn được với lòng tham của mình khi muốn chứng kiến cả rừng quỳ trong tầm mắt nhưng thấy được quỳ là đã đỡ cơn ghiền lắm rồi :)

Chẳng biết từ bao giờ loài hoa này lại về đây ngự trị chỉ biết rằng nó là một loài hoa có nguồn gốc từ Mexico và được mang vào trồng từ những ngày người Pháp bước chân lên vùng Cao nguyên Lâm Viên này. Từ đó dã quỳ phủ đầy khắp nơi, quanh nhà cũng dã quỷ, những con đường mòn, những đồi chè xanh, bất cứ đâu cũng thấy dã quỳ...
Dã quỳ bắt đâu không còn túm tụm cùng nhau nữa, không còn những vạt vàng chạy dài tít tắp mà bắt đầu co cụm rời rạc lác đác.























































Mùa sau chắc ta lại tìm quỳ nhưng chắc ở một nơi khác để cảm giác luôn mới với những hình ảnh thật đẹp của quỳ.




 
Bố susu
11-2013