Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Xin nhóm thêm hy vọng cho một đêm trung thu thật ý nghĩa

Trong lúc tìm đầu ra cho các sản phẩm móc khoá làm bằng tay của các em nhiễm HIV tại CLB Hy Vọng tại An Giang trong chuyến khảo sát vừa qua, em Trịnh Duy Kỳ đã gặp anh Phong, người liên lạc trong mạng lưới hỗ trợ những người nhiễm HIV. Cuộc gặp gỡ sáng nay với mong muốn làm được một chút gì nhỏ nhỏ nhân mùa Trung Thu cho các em nhiễm HIV tại Tp HCM và Củ Chi.
 Trong cuộc nói chuyện, anh tha thiết mong rằng các em nhỏ sẽ có một đêm Trung Thu thật ý nghĩa như bao đứa trẻ bình thường khác. Anh nói:

- Chưa tìm ra được mạnh thường quân nào làm trung thu cho các em, năm nay sao ế quá:(((

- Giờ em đuối quá rồi, kinh phí đi An Giang ngày 15/9 chưa đủ nên em không dám hứa: ((

- Cố gắng tổ chức cho các em vui chơi cũng được, tặng cái lồng đèn, cái bánh tượng trưng thôi, chủ yếu là tinh thần:(

- Có lồng đèn có bánh thì cũng phải có tiền để em mua chứ, chương trình bên em đang nhiều quá em sợ em không lo được:((
- ......
- .......
Giờ sao đây:(((

Nếu được sẽ cân nhắc và tổ chức cho 200 em bị nhiễm vào đúng đêm Trung Thu, tức ngày 19/9 tại Q12. Cả nhà mình ai có lồng đèn hùn lồng đèn, ai có sữa hùn sữa, ai có bánh hùn bánh và ai có tiền hùn tiền để các em nhỏ có một đêm Trung Thu thật ý nghĩa nhé!

Mọi chi tiết liên hệ: 0907.255.348 hoặc chuyển vào:
Tk VCB:
0421003712471
Ngan hang Vietcombank chi nhanh Phu Tho
Chu TK: Nguyen Thi My Dien

Xin cảm ơn anh chị thật nhiều nè!
 NHÓM VÒNG TAY NHÂN ÁI
https://www.facebook.com/nhomvongtaynhanai

SẮC MÀU LUNG LINH

Bây giờ đi đâu thì ái máy chụp hình bằng điện thoại luôn gần kề bên người, gần như là vật bất ly thân trong thời gian gần đây của mình.
Quá tiện lợi hơn so với cái máy chụp hình mà mình thường hay chụp. Vì nó cơ động hơn máy chụp hình nhiều.
Chắc là điều này sẽ đúng với rất nhiều người.


Lần này đi chụp buổi tối, ngắm Sài Gòn xa hoa lộng lẫy về đêm.
Tuy không nét nhưng bất ngờ với sắc màu của việc chụp hình bằng điện thoại








Hình động này do Google Ảnh tạo khi mình up lên G+, thấy cũng thú vị

BỐ SUSU
08-2013

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

ĐÌNH TÂN LÂN

Đình Tân Lân toạ lạc trên đường Nguyễn Văn Trị, mặt tiền nhìn ra dòng sông Đồng Nai. Xưa kia đình thuộc thôn Tân Lân (Xóm Mới), huyện Phước Chánh, dinh Trấn Biên; nay là phường Hoà Bình, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam.
Đình Tân Lân  được lập vào năm 1820. Ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ trong khu vực thành cổ Biên Hòa. Tới năm 1906, khi giặc Pháp vào chiếm thành Biên Hòa làm căn cứ, đền được dời về gần bờ sông Đồng Nai, ở vị trí hiện nay. Đến năm 1935, đền được xây dựng mới kiên cố và đặt tên là Tân Lân thành cổ miếu (gọi tắt là đình Tân Lân )



Đình thờ đức ông Trần Thượng Xuyên là một danh tướng nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi triều Minh sụp đổ, ngài theo phong trào “bài Mãn phục Minh” nhưng thất bại. Sau đó ngài đã đem theo hơn 3000 quân thân tín cùng toàn bộ gia quyến vào Đại Việt xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa hiền – Nguyễn Phúc Tấn (1648 – 1687) chấp nhận và chuẩn y cho ông vào khai khẩn vùng đất xứ Đồng Nai.
Trần Thượng Xuyên đã đưa toàn bộ lực lượng vào định cư tại vùng Nông Nại Đại Phố. Cùng với nhóm người Việt đến trước khai khẩn vùng đất màu mỡ này. Với tài tổ chức tuyệt vời của ông, đã biến vùng đất Đồng Nai hoang sơ thành trung tâm kinh tế thương mại sầm uất. Cù Lao Phố và các vùng phụ cận, hàng hóa phong phú, thương cảng thuận tiện thu hút đông đảo thương nhân lái buôn trong và ngoài nước tới trao đổi, mua bán. Trần Thượng Xuyên là người có công lớn trong việc khai khẩn, tạo dựng vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai và cả khu Sài Gòn – Chợ Lớn sau này. Bên cạnh đó, ông còn là dũng tướng tài ba, có tài thao lược dùng binh. Ông đã giúp chúa Nguyễn dẹp loạn, mở mang bờ cõi nước Việt.

Tượng thờ ông Trần Thượng Xuyên. Với những công lao xây dựng xứ Biên Hòa, ông Trần Thượng Xuyên được người dân trong vùng tôn làm Thành hoàng của làng xã.

Đình Tân Lân toạ lạc nơi khuôn viên đất rộng khoảng 3.000m2, trên một nền cao 60 cm bằng đá xanh, lát gạch bông (20cm X 20 cm), với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của văn hoá Trung Quốc. Mặt đình được kiến trúc theo kiểu chữ tam (三), lợp ngói âm dương, trên nóc chính điện có lưỡng long tranh châu, lý ngư hóa rồng. Trên hai đầu đao còn có tượng ông Nhật, bà Nguyệt, tiên đồng, ngọc nữ...

Phần Chánh điện chiếm diện tích 487,5m2 với những hàng cột gỗ lim to lớn. Tượng ông Trần Thượng Xuyên uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng được đặt trang trọng giữa chánh điện.
Toàn bộ khung kiến trúc chánh điện được làm bằng gỗ tốt, có cột chống ở giữa kiểu bình nước, được lắp ghép với kỹ thuật mộng chốt và gắn đầu rái đảm bảo độ bền vững cao. Phối thờ trong chánh điện là các ban thờ Tả ban và Hữu ban, Thái Giám, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Bạch Mã và Tiền Hiền.

Hữu ban


Tả ban

Bàn thờ ông Trần Thượng Xuyên nơi chính điện.



Nơi đây có những hàng cột gỗ lim to, những cặp chim trĩ, loan, phượng... bằng đồng đứng chầu, cùng bộ bát bửu cũng bằng đồng đặt thẳng hai bên hàng trước bàn thờ thần làm tăng thêm sự trang nghiêm.

Theo ông từ trông đền ngày hôm đó, thì đây chính là di ảnh của vua Minh Mạng được mang về từ HongKong.??? (Nhưng chưa thấy tài liệu nào chứng mình chuyện này là đúng)
Nhờ bác Toro và bác Phạm Ngọc Hiệp giúp đỡ thì đây là bức chân dung của "Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng Đế", tức là Chu Nguyên Chương, vua khởi đầu nhà Minh bên Tàu.
Kiệu dùng để rước sắc ông ông dịp Lễ hội Kỳ Yên hằng năm.


Phần hành lang trước Chánh điện.

Phần Tiền đình có diện tích 75,5m2. Trên nóc trang trí hàng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh màu lưu ly thể hiện các đề tài cổ điển phương Đông một cách sinh động như: Bát tiên quá hải, Quan Công phò nhị tẩu, thiếu nữ giao cầu, diễn võ đài, cảnh bái triều rước xách, tiễn đưa, diễn hí tấu nhạc, vinh qui bái tổ, xét xử tội nhân nơi địa ngục, hội triều nơi thiên đình...Bên trong tiền đình, trên các xà ngang được chạm trổ các đề tài dơi, đào, hoa, lá biểu trưng cho phước thọ, trường tồn.

Những bức tượng rất tuyệt với những sắc thái khác nhau của từng nhân vật.















Trong phạm vi của đình còn có Miều thờ ngũ hành.


Kỳ đài nằm bên kia đường, sát bờ sông.


Bia ghi công ông Trần Thượng Xuyên trong quá trình xây dựng và phát triển Cù lao phố - Biên Hòa ngày nay.
Hằng năm, tại đình Tân Lân, lễ Kỳ yên được tổ chức long trọng vào ngày 23 tháng 10 âm lịch.

Bố susu
08-2013

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

SÔNG QUÊ




Con sông quê chở nặng phù sa
Chở cả tình quê rất đậm đà


BỐ SUSU
08-2013

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

ĐI THĂM EM MOL

Mấy ngày nay thông tin Việt Nam ký hợp đồng mua 2 tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp Sigma của Hà Lan  tràn ngập các diễn đàn và trên các trang báo lề phải và lề trái.
Tự nhiên lại nhớ 2 em Molniya mà Việt Nam mình đang đóng. Cũng lâu chẳng thấy có thêm thông tin gì về 2 em nó, thế là lại vác súng lên đường thăm em nó vậy.


Lần này thì em M1 đã được tháo dàn áo khoác bên ngoài ra để chúng ta có thể thấy toàn bộ body chuẩn của em nó.


Dáng em đẹp nhất trong ngày.


Phần mũi tàu.


Phần đuôi tàu.


Dàn rada và các khí tàu ở phần trên.


2 dàn phóng tên lửa hình như đã hoàn thiện, chỉ chờ ngày gắn vào thôi.


Trong khi đó em M2 vẫn chưa được tháo chiếc áo khoác ra. Chắc vẫn còn trong quá trình hoàn thiện.


Mong tới ngày 2 em nó góp mặt vào đội hình chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

Cũng như những lần trước, các bác có sử dụng hình ảnh của em thì vui lòng ghi nguồn nhé. Sợ nhất mấy bác bên báo lề phải, chẳng bao giờ ghi nguồn như các anh em trong các diễn đàn.


Bố susu
08-2013


Các bài tham khảo: 
Bài 1: TÀU HỘ VỆ TÊN LỬA MOLNIYA DO VIỆT NAM SẢN XUẤT  
Bài 2: ANH EM NHÀ MOLNIYA 
Bài 3: KHÁC BIỆT GIỮA BÁO TA VÀ BÁO NƯỚC NGOÀI
 Bài 4: ĐÔI BẠN






Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

NHÃ VIÊN QUÁN

Đến thăm Cù lao phố, Biên Hòa lần này Bố susu được anh Phạm Hoài Nhân giới thiệu một quán cafe rất đẹp và rất ấn tượng. Đó là Nhã Viên Quán. Thật không thể tưởng tượng được có một quán cafe rất hoành tráng như vậy.
Trước khi ngồi uống cafe, anh Hai Ẩu giới thiệu sơ sơ về quán và Bố susu chỉ có tròn xoe đôi mắt kinh ngạc về những điều thú vị của quán.
Ban đầu khu vườn có tên là Nhã Viên, vốn xuất phát từ tâm nguyện của gia chủ không chỉ là chổ vui thú điền viên mà còn là nơi đối đãi bạn bạn bè hữu. (Chắc toàn đại dza chơi với nhau thôi)
Nhưng cuối cùng thì Nhã Viên được biến thành Nhã Viên quán, là nơi uống cafe và nhà hàng ăn uống.
Bước qua cổng tam quan cổ điển kiểu xứ Huế, này chúng ta sẽ bước vào một khu vườn rộng khoảng chừng 5000m2. Hôm Bố susu đến, trước cổng đậu toàn xe hơi nên chẳng chụp được cổng mặt trước. Thôi thì mặt sau cũng đẹp không thua gì mặt trước đâu :)

Từ bên trái cổng ta sẽ thấy một nhà nam bộ với tên gọi: Nam Huyên Đường.
Ở nhà Nam Bộ chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cổ vật được chủ nhân trưng bày tại đây: trống đồng, cổ vật thành Thăng Long, thuyền độc mộc..... nói chung phải là đại dza lắm mới sưu tầm được như vậy.
Bước qua cây sộp đỏuốn cong tạo thành hình nguyệt môn chúng ta sẽ đến Nhà sàn Tây bắc với tên gọi là Vọng Sơn Các.
Trong nhà sàn có rất nhiều hiện vật gắn liền với cuộc sống của các anh em dân tộc. Ở dưới là nơi anh em chúng tôi ngồi uống cafe hôm gặp mặt.
Hai bức tượng được dựng ngay dưới chân cầu thang để lên tầng trên của nhà sàn.
Còn đây là Nhà Huế với tên gọi Phú Xuân Đường. Đây là ngôi nhà rường lớn giữ vị thế kiến trúc chủ đạo của Nhã Viên Quán.
Bên trong Phú Xuân Đường nay là một nhà hàng, với lối kiền trúc đặc sắc phong cách nhà rường Huế. Thiệt tình nếu ngồi ăn sáng ở đây chắc là lạc lõng lắm, chỉ hợp khi đi với nhiều người ăn uống ở đây.
Tầng dưới của Phú Xuân Đường có một phòng rất VIP, nơi đây mà tổ chức óp-lai cho anh em nhà blogger thì tuyệt cú mèo, nhưng chắc là giá chát lắm đây :)
Nhìn xa xa đó là ngôi nhà Trung Bộ với tên gọi Tư Quảng Đường mang đậm chất nhà rường Nam Trung Bộ.
Đi theo con đường Bách Lộ Liên Hoa chúng ta sẽ được đi tham quan cả khu vườn này.
Đây là giả núi với tên gọi Linh Phong.
Đúng là đến Nhã Viên quán, chúng ta có thể chiêm ngưỡng được những cổ vật được trưng bày nơi đây, với các căn nhà đậm chất các vùng miền trên cả nước kéo dài từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng lên vùng núi rất đáng để chúng ta tham quan một lần cho biết khi có dịp đến với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đắc biệt là khi đi tham quan Cù lao phố hoặc Dinh Trấn Biên vì quán nằm gần đường đi 2 địa danh này.
Đúng như ý tưởng ban đầu của chủ nhân ngôi nhà nơi đây xứng đáng là nơi cảm nhận cảnh sắc ba miền.

Hướng dẫn đường đi:
Từ TPHCM đi qua cầu Hóa An, đến bến xe Biên Hòa, đối diện bến xe có cây xăng. QUẹo theo con đường đó hỏi thăm Nhã Viên quán thì sẽ được người dân hướng dẫn đi.
Đi nhanh không thôi lỡ đại dza mà hết dza thì sẽ không còn cơ hội biết quán này nữa. Xin lỗi chủ nhân, Bố susu không dám trù ẻo đâu, chỉ lo xa một tí :)
Lưu ý một điều: có thể chụp hình bằng máy thường, máy DSLR bị tinh phí chụp hình là 1.000k đó nha pàkon

Bố susu
08-2013