Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Điểm danh các Văn Miếu còn lại ở Việt Nam

Trong gần 1.000 năm, các triều đại VN đã xây rất nhiều Văn Miếu trên cả 3 miền. Do biến động lịch sử, còn khá ít Văn Miếu được bảo tồn...
 Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội là Văn Miếu đầu tiên của nước ta, được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng năm 1070. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu, có thể coi đây là trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ngày nay Văn Miếu Quốc Tử Giám được xem như là biểu tượng của tri thức, của nền giáo dục Việt Nam.

 Văn Miếu Mao Điền nằm ở làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, được lập ra để tổ chức các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương xưa. Vào thời nhà Mạc, đây là nơi 4 lần tổ chức thi đại khoa. Tại miền Bắc Việt Nam, Văn Miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám.
 Văn Miếu Xích Đằng còn gọi là Văn Miếu Hưng Yên, được xây dựng vào năm 1832, nằm trong quần thể di tích Phố Hiến, nay thuộc địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Xưa kia, nơi này là Văn Miếu của trấn Sơn Nam. Hiện tại, Văn Miếu Xích Đằng vẫn còn lưu giữ được 9 tấm bia đá ghi danh các nhà khoa bảng Hưng Yên.
 Văn Miếu Bắc Ninh được xây dựng tại vùng sơn phận Thị Cầu thuộc tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc vào thời Lê Sơ, ngày nay là phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày nay Văn Miếu Bắc Ninh là nơi thờ Khổng tử, Tứ Phối. Tại đây còn lưu giữ 12 bia "Kim bảng lưu phương" lưu danh 677 vị đại khoa quê hương Kinh Bắc.
 Văn Miếu Huế hay Văn Thánh Huế nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế, được xây dựng vào năm 1808 dưới triều vua Gia Long. Suốt thời Gia Long trị vì, triều đình nhà Nguyễn chỉ mở các khoa thi hương nên không có tấm bia tiến sĩ nào được dựng ở Văn Miếu. Đến thời Minh Mạng mới mở các khoa thi hội, nên bia tiến sĩ cũng bắt đầu được dựng. Bia cuối cùng được dựng năm 1919, năm có khoa thi Hội cuối cùng dưới thời vua Khải Ðịnh. 
 Văn Miếu Diên Khánh được xây dựng năm 1803 theo chỉ dụ của Gia Long, tọa lạc tại khóm Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa nhằm ghi nhận công lao của những người có tài, học giỏi, đã được đỗ đạt. Khu Văn Miếu đã trải qua bốn lần tu bổ vào các năm 1892, 1904, 1941. Năm 1948, Văn Miếu bị cháy trong chiến dịch "Tiêu thổ Kháng chiến". Đến năm 1959 được phục dựng lại tại vị trí mới.
  Văn Miếu Trấn Biên là Văn Miếu đầu tiên được xây dựng (xây năm 1715) tại xứ Đàng Trong, để tôn vinh Khổng Tử, các danh nhân văn hóa nước Việt và làm nơi đào tạo nhân tài phục vụ cho chế độ. Năm 1861, Văn Miếu đã bị thực dân Pháp phá bỏ. Mãi đến năm 1998, công trình mới được khởi công khôi phục lại nơi vị trí cũ, và hoàn thành vào năm 2002. Hiện nay toàn thể khu vực uy nghi, đẹp đẽ và qui mô này nằm ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam.
 Được xây dựng nhằm đề cao Nho giáo, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long có từ thế kỷ 19, tọa lạc trên một sở đất rộng, cặp bên bờ sông Long Hồ thuộc làng Long Hồ, tổng Long An, huyện Vĩnh Bình (nay thuộc phường 4, thành phố Vĩnh Long). Người chủ xướng xây dựng công trình này là Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông.
Văn Thánh Miếu Cao Lãnh được xây dựng năm 1857, năm 1878 thì được dời đến vị trí hiện tại (phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).  Đây là một công trình nhằm khuyến khích mọi người dân địa phương tham gia học tập, nâng cao trí thức, đồng thời khôi phục, bảo tồn những tinh túy của Nho học. Ảnh: Internet.
Thanh Bình
(BỐ SUSU SƯU TẦM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét